Hãy bắt đầu với lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam. Xin hỏi, ông suy nghĩ thế nào về triển vọng của ngành này?
Các quốc gia Đông Nam Á có nhiều cơ hội để đi trước các nền kinh tế truyền thống như Mỹ, quốc gia có hệ thống thanh toán cũ đã bám rễ lâu đời nên khó thay đổi trên diện rộng. Các thị trường mới nổi như Việt Nam, hiện vẫn nằm trong Top 10 các nước sử dụng tiền mặt nhiều nhất thế giới, có cơ hội đón đầu trong thanh toán điện tử. Với một nền kinh tế trẻ trung và sôi động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, không một quốc gia nào ở Đông Nam Á triển vọng hơn Việt Nam trong cuộc cách mạng thanh toán số.
Có những cơ hội hoặc thách thức nào trong lĩnh vực này, thưa ông?
Các cơ hội là rất đáng kể. Mặc dù việc sử dụng tiền mặt đang phổ biến nhưng thật sự tốn kém và tồn tại nhiều hạn chế. Đơn cử như việc thanh toán COD (Cash on delivery – thanh toán khi nhận hàng), người dùng phải có mặt để nhận hàng và thanh toán tiền mặt. Sau đó, người giao hàng phải giữ tiền mặt từ tất cả đơn hàng rồi nộp vào ngân hàng, đến lượt ngân hàng kiểm đếm, đối chiếu... Người bán có thể phải đợi 2 đến 3 ngày sau mới nhận được tiền trong tài khoản, đó là chưa kể các sai sót, mất mát hoặc trộm cắp có thể xảy ra khi vận chuyển, bảo quản tiền mặt. Do đó, những rủi ro trong quá trình này khiến cho chi phí quản lý tiền của một doanh nghiệp thương mại điện tử rơi vào khoản 5-6% trung bình cho mỗi giao dịch. Trong khi với thanh toán điện tử, chi phí này nhỏ hơn rất nhiều, đồng thời người bán sẽ nhận được tiền chỉ sau vài giờ. Theo ước tính của tôi, chỉ cần giảm sử dụng tiền mặt 10% thì GDP có khả năng tăng đến 2-5% trong một nền kinh tế.
Về mặt thách thức, tôi nghĩ giáo dục thị trường và mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp có thể thúc đẩy đáng kể thanh toán điện tử. Nếu nhìn vào Ấn Độ, thanh toán điện tử đã tăng gấp 6 lần trong 3 năm giữa đại dịch Covid. Đó là nhờ chính phủ và các doanh nghiệp đã hợp tác để đưa ra các cách thức quản lý định danh người dùng và thực hiện các giao dịch số, với trọng tâm là giáo dục cộng đồng về lợi ích của thanh toán điện tử.
Nhiều người cho rằng Ví điện tử là một cuộc chơi đốt tiền. Ông có đồng ý với quan điểm Mỹ Phẩm IBIM này?
Quan điểm của tôi là ở Việt Nam, chúng ta đang chạy marathon. Với khoảng 75% giao dịch vẫn là thanh toán bằng tiền mặt, chúng ta chỉ mới ở 100m đầu tiên của cuộc đua 42km. Tôi cho rằng, tất cả các đơn vị thanh toán dù là ví điện tử, ngân hàng hay nhà mạng, nhà cung cấp POS... đều nên cùng với chính phủ xây dựng một hệ sinh thái ít phụ thuộc vào tiền mặt, cải thiện trải nghiệm thanh toán của người dùng, từ đó mang lại cuộc sống hằng ngày chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, hầu hết các giao dịch số hiện nay diễn ra được là nhờ vào các hoạt động khuyến mãi, trong khi khuyến mãi không thể là cách duy nhất khiến người dùng hạn chế sử dụng tiền mặt và chuyển sang thanh toán số. Các đơn vị thanh toán điện tử cần giải quyết những vấn đề thực sự mà khách hàng đang gặp phải, thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ số một cách tự nhiên. Tôi tin rằng, ZaloPay đang thực hiện điều này - giải quyết các vấn đề thực tế của khách hàng, và sẽ có vị thế tốt trong tương lai.
Ông có kế hoạch gì để chinh phục 75% lượng thanh toán tiền mặt này?
Chúng tôi muốn trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của mọi người về mặt tài chính và con đường duy nhất là giảm sử dụng tiền mặt. Với mục tiêu này, chúng tôi liên tục cải tiến và ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới.
Gần đây, chúng tôi tung ra sản phẩm có tên gọi là ZOD (ZaloPay on delivery). Sản phẩm này nhắm đến những khách hàng hay thanh toán COD trong khi vẫn có khả năng thanh toán bằng ZaloPay tại thời điểm nhận hàng thay vì tiền mặt. ZOD là một sản phẩm quan trọng vì giải quyết được vấn đề niềm tin giữa người mua và người bán. Có thể thấy, một trong những lý do chính khiến người dùng chọn thanh toán COD là họ không muốn trả trước cho sản phẩm mà họ chưa nhìn thấy hoặc chạm vào, nhưng họ vẫn vui vẻ thanh toán online sau khi nhận hàng tại nhà. ZOD đáp ứng điều này bằng cách chấp nhận ZaloPay tại thời điểm giao hàng.
Một sản phẩm khác giúp người dùng tạo ra khoản sinh lời trong ZaloPay là Tài Khoản Tích Lũy. Với số tiền tối thiểu chỉ 10.000 đồng, tài khoản này chi trả lợi nhuận theo ngày với tỷ suất sinh lời lên đến 6%/ năm. Song song đó, chúng tôi vẫn đang nỗ lực giúp cuộc sống người dùng trở nên dễ dàng hơn bằng các dịch vụ nhắc hóa đơn hàng tháng tự động, giúp người dùng thanh toán hóa đơn đúng hạn, không phải xếp hàng tại các điểm thanh toán offline và không bị phí phạt trễ hạn.
Một nhân tố quan trọng giúp ZaloPay phát triển trong cuộc đua này chính là nguồn lực con người. Chúng tôi có đội ngũ thông minh và năng động, hướng tới xây dựng lộ trình sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế, cải thiện cuộc sống của khách hàng. Tôi rất mong chờ những sản phẩm thú vị này trong năm sau.
ZaloPay có cơ may nào để trở thành ví điện tử phổ biến nhất trên thị trường, thưa ông? Các lợi thế cạnh tranh của ZaloPay là gì?
ZaloPay là một phần của VNG, đây là lợi thế lớn nhất. Mỗi mảng kinh doanh trong VNG đều có một vị thế nhất định và có thể tối ưu, kết hợp sức mạnh của nhau, từ đó thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế số. ZaloPay hiện đã tích hợp trên ứng dụng liên lạc phổ biến Zalo, giúp người dùng chuyển tiền qua Zalo đơn giản như gửi một tấm hình cho bạn bè. Sự liên kết này với Zalo là lợi thế không một ví điện tử nào ở Việt Nam có được.
Hơn nữa, VNG còn là công ty lớn về game và giải trí, lĩnh vực sở hữu lượng người dùng trẻ và có xu hướng thích ứng sớm với thanh toán điện tử.
Ông có thể chia sẻ thêm góc nhìn về tương lai của lĩnh vực thanh toán?
Nếu nhìn vào sự phát triển của thương mại điện tử, có thể suy ra một số điểm về cuộc cách mạng thanh toán. Thương mại điện tử theo kiểu truyền thống được thực hiện thông qua các trang web, người dùng truy cập vào một trang web cụ thể và mua hàng. Giờ đây chúng ta đã bước vào kỉ nguyên của thương mại mạng xã hội, các công ty như Pinterest, Tiktok, đang đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng và các giao dịch thường được thực hiện thông qua các nền tảng này mà không cần truy cập vào trang web của sản phẩm.
Tại ZaloPay, chúng tôi đang tiên phong thực hiện một phương thức thương mại mới, tôi gọi đó là "thương mại giao tiếp" ("conversational commerce"). Người dùng không cần phải truy cập vào một trang web hay mạng xã hội mà vẫn có thể mua hàng và thanh toán ngay trong một cuộc trò chuyện. Chẳng hạn như, bạn có thể trò chuyện với ai đó trên ứng dụng và thực hiện một giao dịch thương mại ngay trong khung chat, không cần phải thay đổi ngữ cảnh hay chuyển qua website để mua hàng và thanh toán. Điều này đang diễn ra và mới chỉ là bước khởi đầu của "thương mại giao tiếp". Người dùng có thể trao đổi về hàng hóa, giá cả với người bán trên Zalo và chuyển tiền cho người bán trên cùng nền tảng trò chuyện này.
Trong tương lai gần, người dùng còn có thể ngồi tại nhà, truy cập Zalo và yêu cầu "Tôi cần đặt trà". Ứng dụng có thể nhận diện vị trí của bạn, tìm kiếm cửa hàng gần nhất, đặt loại trà bạn thích, sau đó trà sẽ được giao đến địa chỉ của bạn sau vài phút. Điều quan trọng ở đây là thời điểm diễn ra bước thanh toán. Toàn bộ quá trình này đều diễn ra ngầm mà không có sự trao đổi tiền mặt, cũng như không có thao tác truy cập vào trang thanh toán hay quét mã QR. Tôi cho rằng, trải nghiệm thanh toán tốt nhất chính là không có trải nghiệm thanh toán nào cả. Người dùng muốn một cái gì đó và muốn có được nó. Công việc của chúng tôi trong vai trò là một công ty thanh toán, là làm cho khoảng cách giữa "muốn" và "có" càng ngắn và càng nhanh càng tốt. Tôi đang nói về điều chưa xảy ra trong hiện tại, nhưng đó là điều mà chúng tôi muốn làm: tận dụng và tối đa hóa nguồn lực của VNG.